QUY TRÌNH THỰC HIỆN MỘT GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Chúng ta nghe rất nhiều về thương mại quốc tế, mua bán hàng hóa quốc tế tuy nhiên chưa nhiều người nắm rõ về quy trình cụ thể của một giao dịch mua bán quốc tế. Các bước tiến hành một giao dịch mua bán quốc tế được dựa trên Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế hay gọi tắt là Công ước Viên 1980 (CISG)_một trong những nguồn luật của thương mại quốc tế. Việt Nam gia nhập Công ước Viên 1980 từ cuối tháng 12/2015 và Công ước có hiệu lực tại Việt Nam từ 1/1/2017.
Cùng Prime Logistics tìm hiểu chi tiết hơn về trình tự các bước của một giao dịch thương mại quốc tế.
Table of Contents
Bước 1: Hỏi hàng/ Hỏi giá (Inquiry)
Về phương diện thương mại: Bên Mua đề nghị bên Bán cho mình biết giá cả của hàng hóa và các điều kiện để mua hàng
Về phương diện pháp lý: là lời thỉnh cầu bước vào giao dịch của bên Mua
Nội dung hỏi hàng bao gồm một số mục: Tên hàng, số lượng, đơn giá, quy cách phẩm chất, thời gian giao hàng, điều kiện thanh toán và phương thức thanh toán.
Ràng buộc pháp lý: không ràng buộc bên Mua phải nhận hàng đã hỏi
Hỏi hàng thường được sử dụng khi thâm nhập vào một thị trường mới, người mua cần thêm thông tin để nghiên cứu đánh giá về thị trường.
Bước 2: Chào hàng (Offer)
Khái niệm chào hàng
Chào hàng là lời đề nghị giao kết hợp đồng của bên Bán, thể hiện rõ ý chí của người chào hàng muốn tự ràng buộc mình trong trường hợp có sự chấp nhận chào hàng đó.
Hiệu lực của chào hàng
– Chào hàng có hiệu lực khi chào hàng tới nơi người được chào hàng. (Điều 15 Công ước Viên 1980)
– Chào hàng hợp pháp bao gồm 4 yếu tố: chủ thể hợp pháp, nội dung hợp pháp, hình thức hợp pháp và đối tượng hợp pháp.
– Trong thời hạn hiệu lực của chào hàng
– Chào hàng chưa bị thu hồi, hủy bỏ hợp pháp
– Khi người chào hàng không nhận được thông báo về việc từ chối chào hàng. Chào hàng, dù là loại không hủy ngang, sẽ hết hiệu lực khi người chào hàng nhận được thông báo từ chối chào hàng.
Phân loại chào hàng
Chào hàng cố định (Firm Offer) | Chào hàng tự do (Free Offer) | |
Khái niệm | Chào bán một lô hàng nhất định (với đầy đủ thông tin cần thiết của một hợp đồng) cho một người mua | Lời đề nghị gửi cho nhiều người, thể hiện trên bề mặt là chào hàng tự do |
Tính ràng buộc | Thể hiện rõ ý chí của bên chào hàng muốn được ràng buộc về hợp đồng | Không ràng buộc trách nhiệm của bên chào hàng |
Thời hạn hiệu lực | Có thời hạn hiệu lực | Không có thời hạn hiệu lực |
Giá trị pháp lý | Trong thời hạn hiệu lực, nếu chào hàng được chấp nhận thì hợp đồng coi như được ký kết | Bên chào hàng không bắt buộc phải ký kết hợp đồng nếu chào hàng được chấp nhận |
Thu hồi, hủy bỏ chào hàng
Chào hàng (gồm cả loại không hủy ngang) có thể bị hủy nếu thông báo về việc hủy đến người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng. (Điều 15 Công ước Viên 1980)
Theo Điều 16 Công ước Viên 1980:
– Cho tới khi hợp đồng được giao kết, người chào hàng vẫn có thể hủy ngang chào hàng, nếu người được chào hàng nhận được thông báo về việc hủy ngang trước khi họ gửi thông báo chấp nhận.
– Tuy nhiên chào hàng không thể bị hủy ngang nếu: chào hàng ấn định rõ một thời hạn để chấp nhận hay bằng cách khác, rằng nó không thể bị hủy ngang hoặc nếu người nhận chào hàng đã suy nghĩ rằng chào hàng là loại không thể hủy ngang và hành động theo chiều hướng đó.
Bước 3: Đặt hàng (Order)
Về mặt pháp lý, đặt hàng là lời đề nghị chắc chắn ký kết hợp đồng của bên Mua.
Về mặt thương mại, đây là lời đề nghị mua hàng kèm theo các điều kiện được nêu ra trong đơn chào hàng.
Bước 4: Hoàn giá (Counter Offer)
Hoàn giá được quy định tại điều 19 Công ước Viên 1980.
Hoàn giá là sự mặc cả về giá, gồm nhiều lần trả giá và sự thay đổi trong các điều kiện giao dịch. Về mặt pháp lý, hoàn giá hủy bỏ chào hàng trước đó và thiết lập một chào hàng mới (chào hàng cũ đã sửa đổi bổ sung)
Nếu những sửa đổi, bổ sung trong hoàn giá không làm thay đổi cơ bản nội dung của chào hàng thì vẫn được coi như là một chấp nhận chào hàng.
Bước 5: Chấp nhận chào hàng (Acceptance)
Chấp nhận là sự đồng ý các nội dung của chào hàng mà bên chào hàng đưa ra.
Tuy nhiên một vấn đề hay gây tranh cãi là “Liệu im lặng có được coi là đồng ý?”. Điều 18 Công ước Viên 1980 đã nêu ra rằng im lặng hoặc bất hợp tác không mặc nhiên được coi là chấp nhận.
Hiệu lực của chấp nhận chào hàng
Chấp nhận chào hàng có hiệu lực:
– Từ khi người chào hàng nhận được chấp nhận
– Nằm trong thời hạn chấp chận chào hàng được quy định (trong trường hợp không quy định thì trong một “thời gian hợp lý”)
– Một chào hàng bằng miệng phải được chấp nhận ngay trừ khi các tình tiết bắt buộc ngược lại.
Có một trường hợp đặc biệt nếu như giữa hai bên đã có mối quan hệ tương hỗ hoặc theo tập quán, người được chào hàng có thể có hành vi liên quan thay cho việc thông báo thì chấp nhận chào hàng sẽ có hiệu lực kể từ khi hành vi đó được thực hiện nhưng phải trong thời hạn hiệu lực của chấp nhận chào hàng. Thời hạn chấp nhận chào hàng được quy định chi tiết tại điều 20 Công ước Viên 1980.
Chấp nhận chào hàng chậm trễ và hủy bỏ chấp nhận
Chấp nhận chào hàng muộn màng và hủy bỏ chấp nhận được quy định chi tiết tại điều 21 và điều 22 của Công ước Viên 1980.
Bước 6: Xác nhận (Confirmation)
Là bước cuối cùng trong tiến trình giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế sau một thời gian đàm phán, trả giá và điều chỉnh giữa hai bên. Xác nhận là bước để hai bên xem xét lại các nội dung trong chào hàng để đi đến ký kết hợp đồng.
Xác nhận thường được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản.
Qua bài viết trên, Prime Logistics mong muốn giúp bạn hiểu hơn về quy trình thực hiện một giao dịch thương mại quốc tế.
Hãy cùng đón đọc những bài viết tiếp theo với kiến thức bổ ích hơn về giao dịch thương mại quốc tế tại website của Prime Logistics.