HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CHỦ YẾU
Nếu như hỏi hàng là lời đề nghị bước vào giao dịch, là bước đầu của quy trình giao dịch thương mại quốc tế thì hợp đồng là bước cuối cùng đánh dấu kết quả của một quá trình đàm phán, thương lượng. Hợp đồng là bằng chứng của việc hợp tác, ngoài ra cũng là cơ sở của việc giải quyết tranh chấp phát sinh.
Cùng Prime Logistics tìm hiểu về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và một số điều khoản chính cấu thành nên một hợp đồng qua bài viết dưới đây.
Table of Contents
Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Là thỏa thuận tự do giữa các bên có trự sở thương mại ở các quốc gia khác nhau, theo đó bên Bán có nghĩa vụ chuyển vào quyền sở hữu của bên Mua một tài sản gọi là hàng hóa và bên Mua có nghĩa vụ thanh toán tương ứng với giá trị hàng hóa nhận được.
Đặc điểm
- Chủ thể: có trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau
- Đối tượng: có thể di chuyển qua biên giới quốc gia
- Đồng tiền thanh toán: là ngoại tệ với 1 hoặc cả 2 bên
- Nguồn luật điều chỉnh: đa dạng (Điều ước quốc tế, tập quán TMQT, luật quốc gia, án lệ,…)
Điều kiện hiệu lực
- Chủ thể hợp pháp: được quy định trong điều 6 và điều 16 của Luật Thương mại 2005
- Đối tượng hợp pháp: tham khảo trong Nghị định 69/2018/NĐ-CP về danh mục hàng hóa tự do XNK, hàng hóa XNK có điều kiện và hàng hóa cấm XNK
- Hình thức hợp pháp: Theo điều 27 Luật Thương mại 2005, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản: telex, fax, điện báo,….
- Nội dung hợp pháp: Luật Thương mại 2005 không quy định các điều khoản bắt buộc của một hợp đồng, trong khi điều 19 Công ước Viên 1980 đề cập đến các yếu tố nếu sửa đổi sẽ làm thay đổi cơ bản nội dung của chào hàng: giá cả, thanh toán, phẩm chất, số lượng, địa điểm và thời hạn giao hàng, phạm vi trách nhiệm, giải quyết tranh chấp.
CÁC ĐIỀU KHOẢN CỦA HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một số điều khoản chủ yếu có thể kể tên như: Tên hàng, Số lượng/Khối lượng, Chất lượng/Phẩm chất, Giá cả, Bao bì kẻ ký mã hiệu, Giao hàng, Thanh toán,…..
Điều khoản tên hàng
Là một điều khoản chính, nêu lên đối tượng của hợp đồng
Có nhiều cách để diễn đạt tên hàng:
- Theo hệ HS (Harmonized System): táo (08081000), cà phê đã rang chưa khủ chất caffeine đã xay (09012120)
- Tên thương mại + Tên khoa học: cà phê Arabica
- Tên hàng + Tên địa phương sản xuất: nước mắm Cát Hải
- Tên hàng + Tên nhà sản xuất: xe máy Honda
- Tên hàng + Nhãn hiệu: ô tô VinFast
- Tên hàng + Quy cách chính: ti vi màn hình tinh thể lỏng LCD
- Tên hàng + Công dụng: sơn chống gỉ
Điều khoản chất lượng
Một số cách quy định chất lượng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Theo mẫu hàng
- Mẫu hàng là đơn vị hàng hóa lấy từ lô hàng, đại diện cho cả lô hàng đó về mặt quy cách phẩm chất. Mẫu hàng có thể do bên bán hoặc bên mua đưa ra, thường có 3 mẫu đưa cho bên bán, bên mua và bên thứ 3 được hai bên thống nhất lưu giữ. Mẫu thường không bị tính tiền.
Dựa vào tiêu chuẩn và phẩm cấp
- Tiêu chuẩn là những quy định về đánh giá chất lượng phương pháp sản xuất, chế biến đóng gói, kiểm tra hàng hóa,… được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức quốc tế
Dựa vào chỉ tiêu đại khái quen dùng
- FAQ: Fair Average Quality (Phẩm chất bình quân khá)
- GMQ: Good Merchantable Quality (Phẩm chất tiêu thụ tốt)
- Good ordinary Brand
Dựa vào hàm lượng chất chủ yếu
- Áp dụng cho những mặt hàng thông qua hàm lượng chất chủ yếu để xác định chất lượng như nông sản, thủy sản, khoáng sản. Ngoài ra có thể phân biệt theo chất có hại, chất có ích; thưởng nếu chất lượng tốt và phạt nếu chất lượng thấp.
Dựa vào quy cách của hàng hóa
- Quy cách là các thông số kỹ thuật về mặt chất lượng của hàng hóa, áp dụng cho mặt hàng công nghiệp
Dựa vào số lượng sản phẩm thu được từ hàng hóa
- Áp dụng với nguyên liệu bán thành phẩm, tuy nhiên thường không chính xác vì số lượng thành phẩm thu được không chỉ phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu.
Dựa vào hiện trạng hàng hóa
- Áp dụng cho hàng nếu đến, hàng thanh lý sau tồn kho hoặc khi thị trường thuộc về người bán. Người bán chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa đúng như khi bốc hàng, trong hợp đồng thường được quy định “As it is”.
Dựa vào xem hàng trước
- Người mua được tạo điều kiện xem hàng trước khi ký hợp đồng và sau khi mua không có quyền khiếu nại về chất lượng hàng hóa. Áp dụng cho hàng hóa mua bán tại kho, bán đấu giá và bán đồ cũ.
Dựa vào dung trọng hàng hóa
- Dung trọng là trọng lượng tự nhiên của 1 đơn vị dung tích hàng hóa, phản ánh tính chất vật lý, tỷ lệ tạp chất,…Cách quy định này áp dụng cho ngũ cốc, lương thực và thường kết hợp với phương pháp khác
Dựa vào tài liệu kỹ thuật
- Tài liệu kỹ thuật bao gồm bản vẽ kỹ thuật, sơ đồ lắp ráp, bản thuyết minh tính năng và tác dụng, hướng dẫn sử dụng,…… Khi sử dụng cách quy định này, các bên cần ký đóng dấu để xác định tài liệu là một phần của hợp đồng, ghi rõ tên tài liệu, nhà xuất bản, ngôn ngữ của tài liệu.
Dựa vào nhãn hiệu hàng hóa
- Nhãn hiệu là những dấu hiệu, hình vẽ, chữ viết dùng để phân biệt các hàng hóa với nhau. Cách này dùng cho mặt hàng công nghiệp, nông sản chế biến
Dựa vào mô tả hàng hóa
- Hợp đồng cần ghi rõ những đặc điểm của hàng hóa: kích thước, màu sắc, công suất,… và người bán có nghĩa vụ giao hàng đúng như mô tả.
Ngoài ra, địa điểm kiểm tra chất lượng có thể là nơi sản xuất, nơi giao hàng hoặc nơi sử dụng; chất lượng có thể do người sản xuất, một bên trung gian hoặc đại diện của nhà nước kiểm tra.