Vận tải đa phương thức (Multimodal Transportation): Sự kết hợp hiệu quả của các phương thức vận tải
Vận tải đa phương thức không phải một phương thức vận tải mới mà là sự kết hợp của nhiều phương thức vận tải đã có: đường biển, đường hàng không, đường sắt, ô tô,… nhằm tăng hiệu quả của quá trình vận chuyển hàng hóa, đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia.
Cùng Prime Logistics tìm hiểu về đôi nét về vận tải đa phương thức qua bài viết dưới đây.
Vận tải đa phương thức
Khái niệm
- Vận tải đa phương thức là việc vận chuyển được tiến hành bằng ít nhất hai phương thức vận tải trên cơ sở một hợp đồng vận tải từ một nơi nằm tại một nước mà tại đó người kinh doanh vận tải đa phương thức nhận trách nhiệm về hàng hóa cho tới khi giao hàng cho người nhận tại một điểm ở nước khác. (Theo Công ước Liên Hợp Quốc 1980)
- Vận tải đa phương thức bắt đầu xuất hiện ở Hoa Kỳ vào năm 1928 và cho thấy sự kết hợp đầu tiên giữa đường biển và đường sắt khi công ty SEATRAIN sắm được một con tàu container kiểu Anh và xếp nguyên cả toa xe lửa lên tàu để vận chuyển.
Đặc điểm
- Gồm ít nhất 2 phương thức vận tải cùng thực hiện chuyên chở
- Chỉ sử dụng một chứng từ là vận đơn vận tải đa phương thức (Multimodal Transport Bill of Lading)
- Chỉ có một người chịu trách nhiệm với hàng hóa trong suốt hành trình (MTO)
- Nơi nhận hàng để chở và nơi giao hàng thường ở những quốc gia khác nhau
- Hàng hóa thường được vận chuyển bằng các công cụ như container, pallet, trailer,….
Hiệu quả
- Tạo một đầu mối duy nhất trong việc vận chuyển từ cửa đến cửa: chủ hàng chỉ cần làm việc với duy nhất MTO để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc chuyên chở hàng hóa.
- Giảm thời gian giao hàng: nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phương tiện vận tải đã giúp giảm đáng kể thời gian chuyển tải và lưu kho
- Giảm chi phí vận tải: nhất là khi kết hợp đường biển – đường hàng không giúp tiết kiệm cả thời gian vận chuyển bằng đường biển và cước phí hàng không
- Đơn giản hóa chứng từ và thủ tục: vì chỉ sử dụng duy nhất 1 chứng từ là vận đơn vận tải đa phương thức; các thủ tục hải quan và quá cảnh cũng được đơn giản hóa dựa trên các Hiệp định, Công ước quốc tế,…
- Tạo ra điều kiện sử dụng phương tiện vận tải, xếp dỡ và cơ sở hạ tầng, tiếp nhận công nghệ vận tải mới và quản lý hiệu quả hơn hệ thống vận tải
- Tạo ra những dịch vụ vận tải mới, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội
Cơ sở pháp lý
Các văn bản pháp lý trên đều đề cập đến những vấn đề cơ bản trong vận tải đa phương thức: định nghĩa vận tải đa phương thức, các bên liên quan (MTO, người gửi hàng, người nhận hàng), trách nhiệm của MTO, trách nhiệm của người gửi hàng, kiện tụng, khiếu nại MTO, chứng từ vận tải đa phương thức,….
Phương án kết hợp
- Hàng không – biển: sự kết hợp giữa tốc độ nhanh của vận tải hàng không và cước phí thấp của vận tải biển; phù hợp với hàng hóa có giá trị cao (đồ điện, đồ điện tử) và hàng hóa có tính thời vụ cao (quần áo, đồ chơi)
- Hàng không – ô tô: gắn liền với dịch vụ Pick up and Delivery; phổ biến trong các tuyến bay qua Thái Bình Dương, Đại Tây Dương hoặc nối liền các lục địa
- Đường sắt – Ô tô (Piggyback): kết hợp giữa tính an toàn và tốc độ của đường sắt và tính cơ động của ô tô; sử dụng kết hợp xe rơ-móoc (trailers) và tractor
- Đường biển – Đường sắt/Ô tô/Thủy nội địa: thường dùng cho hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển từ nước này đến nước khác. Các phương thức vận tải khác được sử dụng để đưa hàng hóa từ một trung tâm nội địa ở nước đi đến cảng xếp và từ cảng dỡ về trung tâm tiêu thụ trong nội địa nước đến.
- Cầu lục địa (Land Bridge) (Đường biển – Đường bộ – Đường biển): hàng hóa được vận chuyển giữa 2 vùng biển (đại dương) qua một lục địa như một cây cầu nối hai vùng biển đó. Một số tuyến Land Bridge quan trọng châu Âu/Trung Đông – Viễn Đông qua lãnh thổ các nước thuộc Liên Xô cũ; châu Á – Viễn Đông qua lãnh thổ Hoa Kỳ; Viễn Đông – Mexico qua bờ biển Tây Hoa Kỳ
- Đường biển – Đường sắt (Mini Bridge): vận chuyển container bằng tàu từ một cảng ở nước đi đến cảng khác nước đến sau đó vận chuyển bằng đường sắt đến một thành phố thứ 2 ở nước đến; phổ biến với các tuyến Hoa Kỳ – Viễn Đông, Hoa Kỳ – châu Âu, Hoa Kỳ – Australia,….
- Một hình thức tương tự Mini Bridge là Micro Bridge chỉ khác là nơi kết thúc hành trình là một trung tâm công nghiệp, thương mại trong nội địa nước đến.
Người kinh doanh vận tải đa phương thức (Multimodal Transportation Operator)
Khái niệm
- Theo Công ước Liên Hợp Quốc 1980: “MTO là người tự mình hoặc thông qua một người khác thay mặt mình kí một hợp đồng vận tải đa phương thức và hoạt động như một bên chính chứ không phải đại lý hay thay mặt người gửi hàng hay những người chuyên chở tham gia vận tải đa phương thức và chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng.”
Phân loại
- Người kinh doanh vận tải đa phương thức có tàu (VO-MTO): bao gồm các chủ tàu biển, kinh doanh, khai thác tàu biển, mở rộng kinh doanh hoạt động door to door chứ không giới hạn ở port to port; thông thường chỉ sở hữu tàu biển, các phương tiện vận tải còn lại đều đi thuê ngoài
- Người kinh doanh vận tải đa phương thức không có tàu (NVO-MTO): bao gồm một số thành phần sau:
- Chủ sở hữu một trong số các phương tiện vận tải khác không phải tàu biển (thường là ô tô, ít khi là máy bay hoặc tàu hỏa) nhưng lại cung cấp dịch vụ vận tải đi suốt.
- Những người kinh doanh các dịch vụ vận tải như bốc dỡ, kho hàng.
- Những người chuyên chở công cộng không có tàu (NVOCC – Non Vessel Operating Common Carrier): tuy không kinh doanh tàu biển nhưng lại cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức thường xuyên, kể cả việc gom hàng trên những tuyến đường nhất định.
- Người giao nhận (Freight Forwarder): không chỉ làm đại lý mà còn cung cấp dịch vụ vận tải, tiến tới đóng vai trò như một MTO.